slide1 slide2 slide3 slide4
1 2 3 4

13 thg 11, 2013

VĂN HÓA LÀNG NGHỀ THÁI BÌNH TRONG TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI


Chiếu cói truyền thống


Thái Bình vốn là vùng đất sa bồi, nằm trong địa vực sông Hồng nhưng mang nét độc đáo là tỉnh không có núi đồi, nằm giữa bốn bề sông, biển, địa hình bằng phẳng, việc giao thông nội tỉnh và với bên ngoài khá tiện lợi, các bến sông, hải cảng có đủ điều kiện để mở mang. Đây chính là lợi thế cho sự lưu thông hàng hóa của các nghề tiểu thủ công nghiệp, cũng như điều kiện để phát triển các nghề phục vụ giao thông, vận chuyển đường thủy như đan thuyền, đóng thuyền...



Đất đai Thái Bình hình thành chủ yếu bởi phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình vô cùng màu mỡ, phì nhiêu cũng là cơ sở để hình thành, phát triển nông nghiệp và các nghề thủ công truyền thống. Các nghề thủ công có quan hệ trực tiếp với nông nghiệp như làm nông cụ, làm đồ dùng gia đình nông nghiệp, hàng xáo, chế biến lương thực thực phẩm hay nông sản khác; những nghề cần nguyên liệu từ gia súc gia cầm (xương, da, lông...) như làm đồ mỹ nghệ, làm giày dép... được mở mang. Đồng nơi đây rất phù hợp để trồng các loại cây công nghiệp như dâu, cói, đay, gai... Ngoài ra, Thái Bình còn có trên 50km bờ biển cùng với hệ thống hồ ao nhiều, tạo điều kiện cho phát triển các nghề làm muối, chế biến hải sản... và sản xuất đồ đánh bắt thủy hải sản.

 Đồng đất nơi đây phì nhiêu, màu mỡ vốn là nơi hội tụ của nhiều cư dân từ nơi khác đến, như: Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình... đã góp phần làm cho Thái Bình có mật độ dân số cao trên cả nước, chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM, với diện tích đất tự nhiên 1.534.4km2 nhưng dân số lên tới trên 1.900.000 người. Điều này làm cho Thái Bình gặp không ít khó khăn song nó chính là một lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng, nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, thúc đẩy, kích thích các nghề thủ công phát triển, đáp ứng nhu cầu phục vụ tại chỗ cho người dân.

Ngoài các lợi thế đó, Thái Bình còn là mảnh đất của những con người cần mẫn, tài hoa và sáng tạo. Qua quá trình vật lộn với thiên nhiên, khai hoang, lấn biển..., cư dân Thái Bình dường như đã định hình tư duy tích lũy, dùng dần, phòng thủ, lo xa... do vậy các sản phẩm thủ công sẵn có trong từng gia đình, dòng họ.

Những điều kiện tự nhiên và xã hội nói trên là cơ sở cho sự ra đời và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống ở Thái Bình.

Làng nghề chiếu cói truyền thống ở Thái Bình

nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại. Thái Bình được coi là có một trong những kho tàng các nghề thủ công vô cùng phong phú. Đã có huyện mang tên đất trăm nghề. Trong đó có những nghề, làng nghề nổi tiếng được dân biết mặt, nước biết tên, như: chạm bạc Đồng Xâm, dệt vải làng Mẹo, dệt chiếu làng Hới... Sản phẩm của các làng nghề này đã vươn rộng ra khắp nơi trong cả nước và nhiều nước trên thế giới, mang lại nguồn thu rất lớn cho cư dân nơi đây.

Trong truyền thống xưa, ngoài thâm canh lúa nước, các vùng đất bãi bồi ven sông, người dân trồng bông, đay đủ để tự túc cả đồ ăn, thức mặc, vùng đất chua mặn thì trồng cói. Do đó các mặt hàng chế biến từ tơ tằm, bông đay, cói, gai vô cùng phong phú và nghề dệt vải, tơ tằm là nghề phổ biến nhất của Thái Bình. Câu ví “lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường”, vải Bơn, vải Bái, lụa Nguyễn là những câu phương ngôn điển hình được dân gian lưu truyền.
Không quá nhiều làng có nghề dệt chiếu, song nghề dệt chiếu và chế biến sản phẩm từ cói, đay, gai ở Thái Bình lại rất nổi bật bởi những làng nghề nổi tiếng. Câu ca “ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” không người dân Thái Bình nào không biết tới. Ngoài ra còn có chiếu An Tràng, An Vũ (Quỳnh Phụ), Luật Nội (Kiến Xương), An Hạ, Vũ Phong (Tiền Hải). Với chất liệu cói đó, người dân Thái Bình còn sử dụng để đan ró, đan bị, đan mũ ở các làng An Khang, Cây Bồi, Phương Trạch (Tiền Hải); đan văng, bện thừng, chão ở Do Đao (Hưng Hà), Việt Hùng (Vũ Thư); đan vó, đan lưới,... ở làng Nang, làng Nụ (Kiến Xương), Vạn Đồn (Thái Thụy). Nghề chế biến lương thực, thực phẩm: làm bánh cáy làng Nguyễn (Đông Hưng), làm bánh đa làng Me (Hưng Hà), làm bún, bánh làng Cọi (Vũ Thư)... Nghề xây dựng nhà cửa và sản xuất đồ mộc dân dụng, như làng Vế, Diệc (Hưng Hà), Đông Hồ (Thái Thụy), Lịch Động (Đông Hưng)...
Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn, trước kia tỉnh Thái Bình có 167 làng nghề thủ công tiêu biểu và được phân theo các nhóm nghề: dệt vải, tơ lụa; chế biến cói, đay, gai; đan mây, tre; rèn, đúc, chạm; xây dựng, đồ gỗ, gốm, dân dụng; chế biến lương thực, thực phẩm và dịch vụ.
Từ sau hòa bình lập lại đến nay, nghề thủ công và các làng nghề tỉnh Thái Bình đã chịu nhiều tác động của các chính sách phát triển kinh tế cùng những thay đổi về điều kiện sống. Làng nghề ở Thái Bình cũng có những sự biến đổi. Theo quy định tiêu chuẩn của UBND tỉnh Thái Bình, số lượng làng nghề của tỉnh đến năm 2010 là 230 làng nghề và được phân loại thành nhiều nhóm nghề: chạm bạc, mây tre, thêu, ươm tơ, gốm sứ, dệt đũi, đồ gỗ, dệt may, cơ khí, chiếu cói, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hải sản, đa nghề.
Thái Bình là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Trải trên hai nghìn năm lịch sử, Thái Bình có đến hàng ngàn di tích có giá trị, rất đa dạng về chủng loại, kiến trúc độc đáo và quý hiếm. Thái Bình có nhiều mộ cổ, đền lũy chứng tích của thời dựng nước và giữ nước, hiện còn hơn 2000 công trình kiến trúc có đủ loại lớn nhỏ khác nhau. Điển hình là các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có các công trình kiến trúc bề thế ở làng nghề: đền Đồng Sâm (Kiến Xương), phủ thờ Chúa Muối (Thái Thụy), mộ gạch ở thôn Mẽ xã Phú Sơn (Hưng Hà), nhà thờ dòng họ Trần (làng dệt Mẹo)... Không chỉ vậy, Thái Bình còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra những con người nổi tiếng. Có thể kể đến những gương mặt tiêu biểu như Trần Thủ Độ, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung những người khơi nghiệp triều đại nhà Trần; những danh nhân văn hóa lớn như Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ - người có công mang nghề dệt chiếu từ Trung Quốc về cho cư dân; nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn và nhiều tấm gương hiếu học khác... Văn hóa làng xã của Thái Bình vô cùng phong phú, đậm đặc, trong đó, lễ hội là một điển hình. Lễ hội truyền thống đã có và hiện còn ở Thái Bình được xem là tiêu biểu, nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình. Lễ hội ở đây diễn ra suốt 12 tháng trong năm, không tháng nào là không có hội.
Làng nghề Thái Bình vốn thoát thai từ làng nông nghiệp nên lễ hội của làng nghề vẫn có những đặc điểm chung của lễ hội làng Việt trên nền tảng là làng nông nghiệp, đồng thời có những đặc điểm riêng biệt. Lễ hội làng nghề ngoài các nghi thức liên quan đến nghề nông còn có nhiều nghi thức tế, lễ tổ nghề, tục trình nghề rất khác nhau: trình nghề dệt chiếu, dệt vải (lễ hội đền Quan Trạng làng dệt chiếu Hới), lễ hội đền Đồng Xâm (làng chạm bạc Đồng Xâm), thi nấu cơm chay (lễ hội làng Lạng),... mỗi nghề lại gắn với một truyền thuyết đầy hấp dẫn. Nghề dệt chiếu làng Hải Triều với truyền thuyết về hai cô gái bán chiếu TK XV, TK XVII và ông tổ cách tân nghề chiếu Phạm Đôn Lễ. Nghề chạm bạc Đồng Xâm gắn với truyền thuyết về ông tổ nghề Nguyễn Kim Lâu... Gắn với nghề làm muối xã Thụy Hải là lễ hội bà Chúa Muối diễn ra tại cụm di tích đền Mẫu và chùa Hưng Quốc. Nguồn gốc và việc thực hành lễ hội này được dân làng giữ gìn cẩn trọng trong khoảng hơn 300 năm nay.
Trong lễ hội làng nghề còn trưng bày sản phẩm thủ công, đây chính là niềm tự hào của các phường nghề, làng nghề. Mỗi làng nghề có truyền thống có công nghệ riêng, việc giữ bí quyết nghề nghiệp và truyền nghề hết sức nghiêm ngặt. Chẳng thế mà, sau hơn 5 thế kỷ, nghề chạm bạc vẫn không truyền ra khỏi địa giới làng Đồng Xâm. Mỗi sản phẩm làng nghề có những nét riêng độc đáo, phản ánh tâm hồn, trí tuệ người làng nghề. Chiếu làng Hới được dân gian ca tụng về độ bền và hình thức đẹp. Chiếu có rất nhiều loại: chiếu cải, chiếu in hoa, thường được in chữ thọ trên mặt. Chiếu Hới mềm, nhẹ, dễ thoát nước, mau khô... Sản phẩm chạm bạc Đồng Sâm thì tinh tế... Trong từng làng thì mỗi gia đình lại có cách thể hiện, quy trình sản xuất khác nhau phản ánh bí quyết nghề, kỹ thuật nghề của từng gia đình, từng làng.
Lễ hội làng nghề Thái Bình có sức cuốn hút sự tham gia đông đảo của dân chúng trong và ngoài vùng. Tiến trình lịch sử đã lắng đọng ở đây những lớp văn hóa, những trò diễn gợi lại được các nghi thức nông nghiệp. Vì vậy, lễ hội làng nghề Thái Bình như một bảo tàng sống lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, là môi trường cộng cảm văn hóa, cộng mệnh về mặt tâm linh.
Đến làng nghề, chúng ta thấy được quy lệ rất đặc biệt về những mối quan hệ giữa những người thợ cùng làng hay phường nghề. Người làng nghề thường phải đi giao lưu, giao tiếp để quảng bá và bán sản phẩm, mua thêm nguyên liệu... do vậy họ cởi mở, dễ gần và mang theo một số tư duy, lối sống, văn hóa của người vùng nghề khác. Vì thế, văn hóa làng nghề ở Thái Bình càng phong phú hơn trong các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt cá nhân và thể hiện một quá trình tiếp biến sớm và lâu dài.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà Thái Bình đang bước vào thời kỳ xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí thì làng nghề ngày càng khẳng định vai trò to lớn của nó trong phát triển kinh tế - xã hội. Làng nghề tạo ra một giá trị kinh tế cao trong cơ cấu kinh tế nói chung và so với giá trị công nghiệp nói riêng (tính đến năm 2010, giá trị sản xuất ở làng nghề tỉnh Thái Bình đạt gần 3.000 tỷ đồng chiếm gần 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh). Không chỉ vậy, sản phẩm làng nghề đáp ứng nhu cầu lớn về hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, làm cho đời sống, thu nhập người lao động nông thôn Thái Bình được nâng lên đáng kể (riêng làng dệt Phương La xã Thái Phương năm 2008 đạt trên 30 tỷ đồng, dệt chiếu làng Hải triều đạt 12 tỷ đồng).
Làng nghề còn là nơi thu hút người lao động góp phần giảm dư thừa lao động ở nông thôn, tạo công ăn việc làm cho cư dân. Làng nghề là hạt nhân để hình thành thị tứ, thị trấn ở các vùng nông thôn, có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sự giao lưu... giúp người dân dễ tiếp thu lối sống đô thị hơn làng thuần nông (làng dệt phong phú hiện đại, nhà cao tầng...). Đặc biệt, làng nghề thủ công truyền thống tồn tại và phát triển bởi chính các sản phẩm làng nghề làm ra, hình thành một bản sắc riêng về giá trị sản phẩm của nghề, làng nghề mình, tạo được uy tín về chất lượng sản phẩm, nét độc đáo riêng biệt trong sản phẩm. Điều đó tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi nghề, làng nghề như một di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời làng nghề cũng chính là nơi lưu giữ, bảo quản tốt nhất các truyền thống văn hóa lâu đời, lưu truyền bí quyết nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng. Do đó, làng nghề còn chứa đựng tiềm năng thu hút to lớn, quảng bá truyền thống văn hóa Việt Nam, sản phẩm hàng thủ công Việt Nam.
Làng nghề ngày càng trở thành mô hình làng có kinh tế ổn định, văn hóa phong phú, đời sống tinh thần cao. Do vậy, quy hoạch về sử dụng, tận dụng đất đai được cư dân làng nghề chú trọng, hệ thống hạ tầng cơ sở, đường xá, các công trình tín ngưỡng, công trình giao thông, đường xá, cầu có điều kiện để đầu tư. Do có kinh tế nên người làng nghề, con em người làng nghề tại địa phương, hoặc làm ăn buôn bán sản phẩm ở nơi xa, có điều kiện quyên góp ủng hộ xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập của cộng đồng. Nhiều gia đình quan tâm tới việc học tập của con em mình, như dòng họ Trần ở Hưng Hà có nhiều con em đi du học ở nước ngoài và học đại học trong nước.
Trong những năm cuối TK XX, nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Thái Bình có thời cơ chấn hưng và phát triển. Văn hóa làng nghề được khơi dậy và nhân lên. Nghề thủ công và nhiều làng nghề đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Những năm gần đây, do tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nghề và làng nghề tỉnh Thái Bình đang trải qua những thách thức nghiệt ngã của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với bản chất năng động của người làm nghề thủ công, với những sắc thái văn hóa riêng của mỗi làng nghề, chắc chắn rằng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình, văn hóa làng nghề sẽ tiếp tục được khai thác, bảo lưu và phát triển.
        Vấn đề còn lại là cần có một hệ thống cơ chế chính sách phù hợp, đủ để tạo đà cho văn hóa làng nghề đứng vững trong tiến trình hiện đại hóa nền sản xuất ở từng thời kỳ xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả: Bùi Thị Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support : Thúy Nguyễn - chieucoitb@gmail.com
Copyright © 2011. Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 037 453 1842 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Mật ong rừng nguyên chất Thúy Nguyễn
Proudly powered by Blogger
Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 0167 453 1842