slide1 slide2 slide3 slide4
1 2 3 4

9 thg 11, 2013

Người phục hồi lại nghề chiếu cho làng

Người phục hồi lại nghề chiếu cói cho làng 




Chăn trở làng chiếu cói

Đã bước sang cái tuổi thất thập, song chứng kiến cảnh người trong làng cứ sau mùa vụ lại tất tả bỏ đi nơi khác kiếm kế mưu sinh. Ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thôn Vũ Hạ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã quyết tâm phục hồi lại nghề truyền thống dệt chiếu của làng bằng công nghệ tiên tiến, nhằm tạo việc làm ổn định cho người dân nơi đây.
Đổi mới cách làm
Làng An Vũ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) vốn dĩ có nghề dệt chiếu nổi tiếng từ lâu. Nhưng rồi, chẳng ai cảm thấy mặn mà với công việc này nữa, vì vừa vất vả mà thù lao chả đáng là bao. Cứ sau vụ cấy, mùa gặt là người dân lại phải đôn đáo đi ra các tỉnh thành khác lao động kiếm sống.
Về nghỉ hưu, ông Hòa không khỏi xót xa khi phải chứng kiến cảnh khung dệt thì bị nhiều gia đình vất bỏ, các thửa ruộng cói bị bỏ hoang… Từ “thảm cảnh” đó, khiến cho ông Hòa phải bỏ tâm sức ra để “giải mã chuyện làng”. Cuối cùng, ông cũng tìm ra lời giải, ông tìm hiểu nguyên nhân mà người làng không mặn mà với nghề truyền thống của cha ông để lại, là do thời buổi thị trường những công cụ làm nghề thủ công, không thể cạnh tranh được các sản phẩm làm ra từ máy móc công nghiệp.
Khi đã “bắt bệnh” được, ông Hòa bấm bụng: “Không thể để nghề của cha ông thất truyền được, mình phải giúp bà con kiếm sống ngay trên mảnh đất này…”. Nghĩ là làm, ông Hòa bắt đầu cất công đi vào các tỉnh miền nam, rồi sang cả Trung Quốc để tìm hiểu về công nghệ dệt chiếu công nghiệp. Rồi đi xem các máy móc, nguyên liệu, thăm quan các xưởng dệt chiếu đã thành danh để học hỏi kinh nghiệm, rồi nhờ người thân tra cứu, tìm kiếm các tài liệu về nghề dệt chiếu để tham khảo… Sau nhiều lần “đi sứ” về, năm 2000 ông Hòa bàn với người thân trong gia đình và quyết định dốc toàn bộ vốn liếng, tài sản tích góp nhiều năm, rồi vay mượn anh em bạn bè để đầu tư mua máy dệt, xây nhà xưởng, sắm ô tô để thuận lợi cho việc giao dịch.
Thấy ông Hòa đang tự nhiên chở những giàn máy khổng lồ về nhà để mở xưởng dệt chiếu, rồi tìm người đến làm. Mọi người trong làng không khỏi bán tín, bán nghi, họ tò mò kéo đến nhà ông nghe ngóng, tìm hiểu… Biết được, những băn khoăn thắc mắc của mọi người, ông Hòa đã chứng minh cho họ tin tưởng rằng hướng đi của mình sẽ đem lại nhiều thành công. Bắt đầu đi vào hoạt động, ông đã vận dụng tối đa nhân lực trong gia đình tham gia vào làm, rồi ông đi “săn” các tay thợ cừ khôi từ những xưởng dệt chiếu nổi tiếng đưa về dậy cho công nhân tại xưởng mình. Cách làm đó, đã đem lại cho ông bằng việc những lá chiếu ban đầu xuất xưởng, vừa mịn, vừa đẹp, cứ đều tăm tắp, khiến cho bà con đến xem không khỏi ngạc nhiên thán phục.
Thấy ông Hòa nhiệt huyết với nghề, lại có những hướng đi táo bạo nhưng chắc chắn, nên dần dần mọi người trong làng không ai bảo ai cứ ùn ùn kéo nhau đến xin được vào xưởng làm việc. Kể lại những ngày đầu mở xưởng dệt, ông Hòa phân trần: “Lúc đó cũng hơi lo, vì mình đã ở cái tuổi “cổ lai hy” rồi mà giao dịch nhiều hôm phải đi vào tận Miền nam cả tuần. Chỉ sợ không may, mà ốm nằm ra đó thì nguy to, vì tiền đã bỏ ra đến cả tỉ đồng chứ có phải phải ít đâu..”. Theo ông Hòa, nếu dệt theo lối thủ công thì một ngày hai người làm khéo cũng chỉ được hai lá chiếu, vì mất rất nhiều công đoạn tỉ mỉ như, căng go tre, chọn cói, dập vo, ghim mép… Còn đối với dệt bằng máy móc, có thể dệt được 60 lá chiếu/1máy/ngày, mà cũng chỉ cần tới 2 lao động, đặc biệt đường dọc của chiếu dệt bằng máy dầy hơn loại chiếu dệt bằng thủ công. Chính vì thế, mà giá loại chiếu dệt từ máy cao hơn loại chiếu dệt từ thủ công từ 15.000đ đến 20.000đ/1đôi. Ông Hòa cho hay, riêng giàn máy của xưởng ông có ngày sản xuất được 600 lá chiếu.
“Thủ lĩnh” chieu coi
Để cho mặt hàng của mình nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, ngay từ khâu lấy nguyên liệu được ông Hòa, phân loại, lựa chọn kỹ lưỡng. “Muốn có được một chiếc đẹp, trước tiên phải chọn ra được những mớ cói đẹp, không sâu, không nấm, đủ độ dài, các sợi đều nhau. Đồng thời, khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp…” – ông Hòa bật mí.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rồi thường xuyên đọc báo, nghe đài, nghiên cứu thị trường. Thời gian gần đây, ông Hòa nhận thấy thời buổi công nghệ thông tin đem lại nhiều thuận lợi cho công việc, nên ông đã tranh thủ thời gian vào các buổi tối nhờ con, cháu đến nhà dạy tin học, Internet. Là người đầu tiên trong vùng sản xuất chiếu bằng máy, song ông Hòa suy nghĩ: để mặt hàng của mình được nhiều khách hàng tín nhiệm, thì người làm phải luôn nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách, luôn biết cải tiến mẫu mã và phải ứng phó mau lẹ với mẫu hàng khi khách yêu cầu.
Đến nay, năng lực của cả 9 máy dệt nhà ông Hòa sản xuất trên 8.000 lá chiếu/tháng, nhiều thời điểm vào mùa cưới có thể lên đến 10.000 lá/1 tháng (với giá hiện tại gần 200 ngàn/1 đôi). Riêng chiếu cói mộc sản xuất ra đến đâu là các cơ sở in hoa trong vùng đến lấy lại đem về in gia công rồi xuất đi các tỉnh. Sau hơn mười năm đưa công nghệ vào làm nghề, hiện sản phẩm chiếu cói mang tên “Xuân Hòa” đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tiền Giang, Long An…). Một tin vui mới đây đã đến với ông là có bạn hàng từ Môgiempíc đến thăm và hứa sẽ ký kết tiêu thụ sản phẩm chiếu của ông. Nếu cam kết này được thực hiện thì hiệu quả sản xuất của ông Hòa còn cao hơn nhiều.
Tạo việc cho làng chieu coi
Làng An Vũ từ ngày ông Hòa mang máy dệt về nhiều bà con ở đây đến làm không còn nặng nhọc như ngày trước, lại được ông Hòa quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện trong công việc, nên ai đó đều cảm thấy thoải mái và thích thú. Chị Phạm Thị Tiệm, thôn Đồng Phú, xã An Lễ bộc bạch: “Trước đây cứ xong vụ nhà nông là tôi lại theo chồng phụ xây ở các tỉnh lân cận. Nhưng sau một năm về gắn bó với xưởng nhà bác Hòa, tôi thấy không những còn tranh thủ làm được việc nhà, mà đồng lương lại ổn định, đủ trang trải cho các khoản chi tiêu”.
Ông Hòa cho hay, muốn người làm yên tâm gắn bó lâu dài với mình, thì ngoài việc hàng tháng trả lương đầy đủ đúng hẹn ra, thì chế độ đãi ngộ cho người làm phải đáp ứng thỏa đáng. Mọi lao động làm việc tại xưởng chiếu “Xuân Hòa” mỗi khi người thân có ốm đau, hiếu, hỉ, ngày lễ, tết đều được ông Hòa có quà thăm hỏi. Nhiều gia đình lúc thiếu tiền đóng học cho con, đều được ông Hòa vui vẻ sẵn sàng ứng lương, cho vay trước. Được biết, hiện nay, vào tháng cao điểm xưởng dệt chiếu của ông Hòa trả đến gần 200 triệu tiền lương cho người lao động. Chính bởi cách ứng xử đó, mà xưởng chiếu của ông Hòa có hơn 50 lao động thường xuyên đã gắn bó nhiều năm với ông. Ngoài ra, xưởng dệt chiếu của ông còn có gần 200 gia đình trong vùng nhận việc về nhà làm. Đặc biệt, có những phần việc đơn giản (nhặt dằm, nhặt cắt cuống, chọn cói) đã tạo điều kiện cho người già, học sinh cũng tham gia làm việc được. Điều này, lại càng có ý nghĩa hơn khi mà các trò chơi độc hại trên mạng Internet đang cuốn hút, cám dỗ các em học sinh vào những ngày hè tại các quán Internet đang nở rộ ở vùng quê này.  
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hòa cho biết, hiện nay điều boăn khoăn nhất của ông là nguyên liệu thường phải vận chuyển từ Miền Nam ra. Công vận chuyển đã làm cho giá chiếu cao, trong khi đó vùng nguyên liệu của huyện Quỳnh Phụ không đủ cung cấp cho các go dệt thủ công. Với tổng số 29.000ha canh tác của huyện thì chỉ có 1.000ha đất trồng cói.
 Mặc dù biết rõ giá trị trồng cói cao hơn cấy lúa, nhưng dường như các hộ chưa quen với cây cói trong vùng chuyển đổi. Ông Hòa giãi bày: “Một số xã trong huyện có đưa cây cói vào trồng, nhưng dường như chất lượng cói không đạt yêu cầu để dệt chiếu bằng máy, sợi chiếu hay bị gẫy. Phải chăng người nông dân chưa có kỹ thuật trồng cói? Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan để tâm hơn nữa đến điều này, thì còn kéo thêm nhiều nghề khác phát triển theo…?”
Được tạo điều kiện của tổ chức chính quyền, hiện nay, ông Hòa đã mở rộng diện tích, xây thêm nhà xưởng với 1.000m2. Hướng tới ông đầu tư mua thêm máy dệt chiếu, đưa tổng số lên 15 máy, thu hút khoảng trên 100 lao động tại chỗ. Đã ở cái tuổi trên thất thập, nhưng ông Hòa vẫn nung nấu muốn sớm thành lập được doanh nghiệp. Bởi theo ông, như thế người lao động mới có cơ hội làm việc dài lâu, mới được đóng bảo hiểm cùng các lợi ích khác.
Với những tâm huyết gắn bó với nghề dệt chiếu, ông Nguyễn Xuân Hòa được UBND tỉnh tặng Giấy khen về “Người cao tuổi gương mẫu” và Sở Công thương Thái Bình tặng Giấy khen về "cơ sở sản xuất kinh doanh giỏi". +Trường Khôi 
Bài và ảnh: Hà Dương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support : Thúy Nguyễn - chieucoitb@gmail.com
Copyright © 2011. Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 037 453 1842 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Mật ong rừng nguyên chất Thúy Nguyễn
Proudly powered by Blogger
Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 0167 453 1842