slide1 slide2 slide3 slide4
1 2 3 4

8 thg 11, 2013

Chuyện về manh chiếu cói 600 năm truyền thống ở quê hương Đại tướng

chiếu cói

600 năm truyền thống chiếu cói ở quê hương Đại tướng


Làng An Xá - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình -  cách đây 600 năm đã nức danh với một làng nghề: Dệt chiếu cói An Xá. Nhưng nay, tiếng lộc cộc thủ công thuở nào đã dần thưa, tiếng máy gầm cũng mới chỉ vang lên ở một góc nhỏ của làng.
“Phải giữ lấy làng nghề, phải làm sao đó để làng nghề nuôi sống mình và làm giàu cho quê hương - đó là lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bà con mỗi khi trở về thăm quê” - bà Trần Thị Liêu (70 tuổi, ở làng An Xá) ngồi bên khung dệt bằng tre lên nước bóng láng một màu đen tuyền, buồn bã nói.

Làng nghề chiếu cói chỉ… người già và con nít

Anh Phạm Đăng Trung - một người cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - quê ở tận Thanh Hóa vào An Xá để viếng bác.

Anh đã tìm đến những hộ dân ở đây để mua mấy tấm chiếu cói mang về quê, cũng chẳng phải chiếu ở đây đặc biệt hay cao cấp để làm quà cho người thân, đơn giản với anh chỉ là manh chieu coi An Xá mang hồn của làng quê này.

Lúc Đại tướng còn sống, anh nghe người thân kể lại rằng Người luôn trăn trở và mong muốn duy trì sự phát triển của làng nghề này.

“Vùng quê nghèo này, làm nông thì chẳng thể giàu lên được. Chỉ có mỗi nghề làm chieu coi, nhưng khó phát triển vì nhỏ lẻ quá. Nhưng anh xem, nhìn bàn tay từ đứa con nít cho đến những bà cụ trên 70 tuổi dệt chiếu mà vẫn thoăn thoắt thế kia thì vẫn còn khả năng lắm” - anh Trung nói.

Cả làng nghề dệt chiếu An Xá nay chỉ còn 80 hộ làm nghề này. Và trong đó 100% đều làm nghề bằng phương pháp thủ công.

Thủ công từ trồng đay, xe đay cho đến khi hoàn chỉnh sản phẩm. Khi bán ra thị trường cũng “thủ công” bằng cách đạp xe đi bán lần, bán mò từng tấm.

Chúng tôi gặp bà Trần Thị Bé (55 tuổi) và bà Trần Thị Vui (57 tuổi) - cùng ở làng An Xá - bên khung dệt đơn giản làm bằng tre lách cách. Bà Bé nói rằng theo mẹ dệt chiếu từ lúc lên 8, theo bà, nghề dệt chieu ở đây không lời lãi được bao nhiêu. Nhưng: “Ở đây còn nghề nào nữa đâu, làm ruộng thì chỉ đủ ăn, làm chiếu còn tranh thủ được thời gian nông nhàn, với lại tôi đã già nên không có sức khỏe, phải bám lấy nghề này để kiếm sống” - bà Bé buồn buồn và nói thêm: “Một ngày bằng cách dệt thủ công 2 người sẽ làm được 3 tấm chiếu. Tôi đi bán lẻ một tấm được 60 nghìn đồng. Tính ra thì không thể có lời được, chỉ lấy công lúc nhàn làm lãi thôi”.

Tiếng lộc cộc dệt chiếu ở An Xá bao năm nay còn duy trì được là bởi những người già và những đứa con nít sau mỗi buổi học ở trường có thời gian rảnh. “Thế thanh niên ở đây làm nghề gì?” - tôi hỏi. Bà Trần Thị Liêu trả lời rằng: “Nam tiến hết rồi còn đâu. Cứ học xong là đi làm giày da, may mặc gì trong đó. Tết nhứt mới về, chẳng còn ai tha thiết với làng nghề và ở quê làm ăn cả!”.

Khi tiếng máy móc thay tiếng lóc cóc… 
Đưa máy móc vào dệt chiếu cói ở HTX đem lại thu nhập ổn định, chất lượng sản phẩm cao. Ảnh: LÂM HƯNG THƠ

Hơn 20 năm về trước, làng nghề dệt chieu coi ở An Xá ở thời kỳ thịnh vượng và có tiếng tăm. Sản phẩm chiếu cói có hướng đột phá khi được xuất khẩu. Nhưng, chỉ duy trì được khoảng 4 năm thì không đủ nguyên liệu, sản phẩm làm ra cũng không đủ đáp ứng yêu cầu của thị trường nên việc xuất khẩu bị đình trệ. 

Đến năm 2000, làng nghề lại có bước phát triển khi tổng giá trị thu nhập của toàn thôn An Xá đạt 1,6 tỉ đồng/năm. Đến năm 2010, thực hiện theo trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Trần Hữu Trung - cháu của Đại tướng - đã thành lập HTX làng nghề chiếu cói An Xá. 

Bỏ ra số vốn 300 triệu đồng để mua 3 máy dệt chiếu công nghiệp và một máy may cùng với khuôn viên rộng 2.000 mét vuông để làm xưởng, anh Trung đã làm ra sản phẩm chiếu dệt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. 

Hiện HTX của anh Trung giải quyết việc làm cho 15 lao động tại xưởng và 20 hộ gia đình sản xuất nguyên liệu với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Đưa máy móc hiện đại vào hoạt động, năng suất và chất lượng được nâng cao, thời gian sản xuất quanh năm nên lợi nhuận thu được khá lớn, với một chiếc chiếu thành phẩm giá bán ra thị trường từ 60 ngàn đồng cho đến 140 ngàn đồng/chiếc (tùy theo kích cỡ và chất lượng sản phẩm). 

“Đáng mừng nhất là làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Hiện chiếc chiếu An Xá không chỉ tiêu thụ ở địa bàn tỉnh, mà còn vào đến Quảng Trị, Huế…” - anh Trung phấn khởi cho biết. 

Chị Bùi Thị Nga (46 tuổi, vợ anh Trung) kể lại rằng khi nghe lời căn dặn của Bác Giáp rằng kiên quyết giữ lấy làng nghề và phải phát triển được, hai vợ chồng nhìn lại, thấy trằn trọc vì làng nghề chẳng còn “hơi thở” bởi chỉ có bàn tay của người già và trẻ con. 

Thế là đôi vợ chồng “thanh niên” quyết tâm thực hiện lời dặn của Bác Giáp: “Ban đầu chẳng biết bắt đầu từ đâu, thế rồi chúng tôi vay vốn ngân hàng để mua máy, mở xưởng. Làm ra sản phẩm thì mang đi tiếp thị, quảng cáo. Thấy mẫu hàng chúng tôi làm ra đẹp hơn, dày và đều, kích thước mẫu mã đúng nên họ bắt đầu sử dụng và đặt hàng” - chị Nga vui mừng nói. 

Theo người dân thì chiếu An Xá được người dùng ưa thích bởi cói đẹp, đay bền. Bờ Hạc Hải cách làng An Xá chưa đầy một cây số là nơi sinh ra loại cói đẹp, thẳng. Bà Trần Thị Liêu nói rằng cây cói không khó trồng, nhưng nếu không chăm thì vứt: “Cói rất lành, nhưng khi trồng không sử dụng được thuốc hóa học nên phải dùng tay làm cỏ. Chăm chỉ mới làm được công việc này”. 

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, khi nguồn nguyên liệu cói có sẵn. Bây giờ, phát triển nguyên liệu cói đang là một chuyện nan giải.

Bao giờ cho đến ngày xưa? 

Khi nguồn nguyên liệu tự có không đủ để phục vụ cho việc sản xuất chiếu cói quanh năm, người An Xá đã mở rộng đất đai để trồng cói. 

Chính quyền cũng đã cấp đất cho người dân để phát triển loại nguyên liệu này, nhưng theo lời của 
ông Dương Công Toản - Chủ tịch xã Lộc Thủy - thì chỉ có… 4 ha. Tôi thắc mắc: “Nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng, nếu mở rộng quy mô thì có đất để trồng đay không?”. 

Ông Toản khẳng định: “Nếu có dự án thì sẽ có quy hoạch. Việc phát triển làng nghề dệt chiếu là mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng và cũng là của chính quyền nói chung. Nếu có thể phát triển được vùng nguyên liệu, chúng tôi sẽ du nhập thêm những sản phẩm từ cói để làm phong phú thêm, giúp thu nhập của người dân ổn định hơn”. 

Bà Trần Thị Bé nhìn xa xăm, nghĩ đến thời chiếu cói An Xá đi xa xuất khẩu, bà tiếc nuối: “Hồi trước làng nghề đông vui lắm, tiếng khung dệt suốt ngày lách cách. Nay đã có máy móc hiện đại rồi, HTX cũng đã làm và mang lại hiệu quả gấp mấy lần chúng tôi làm thủ công. Nếu tới đây mà phát triển được thì tôi phải gọi mấy đứa cháu ở TPHCM về để theo nghề gia truyền. Ai cũng đã quen tay từ tấm bé với sợi cói, xe đay nên nếu mang lại thu nhập thì chắc chắn mọi người sẽ không phải đi nơi khác kiếm sống”. 

Ánh mắt anh Trần Hữu Trung sáng lên khi tôi đề cập đến việc phát triển vùng nguyên liệu và việc sản xuất. “Chỉ cần có vùng nguyên liệu đảm bảo và sự quan tâm của các ngành chức năng, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng sản xuất, không chỉ nâng cao thu nhập cho riêng mình, mà còn giải quyết việc làm cho người dân. Và một điều quan trọng mà chúng tôi mong mỏi được làm là trả lại tên tuổi làng nghề dệt chiếu cói An Xá đúng như di nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó sẽ là một nén nhang thơm, một tấm lòng thành kính dâng lên Người nơi suối vàng an giấc ngàn thu…”. 

Khi rời làng An Xá trong cơn mưa chiều vội vàng ập đến, bà Vui nhiệt tình nhét vào balô tôi một chiếc chiếu An Xá thủ công “chính hiệu”. Bà nói rằng, quê hương Đại tướng nghèo lắm, chỉ có mỗi dòng Kiến Giang giàu có - là dòng nước ngọt ngào - và tấm lòng con người giàu có thôi. 

Manh chiếu An Xá đã một thời có tiếng, không biết bao giờ cho đến ngày xưa, nhưng mong một khi tôi quay trở lại nơi này, An Xá - nơi sinh ra và lớn lên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - sẽ nhộn nhịp như xưa một làng nghề truyền thống, như mong muốn của Người…
(st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support : Thúy Nguyễn - chieucoitb@gmail.com
Copyright © 2011. Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 037 453 1842 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Mật ong rừng nguyên chất Thúy Nguyễn
Proudly powered by Blogger
Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 0167 453 1842